FED là gì? Những điều cần biết về FED

FED là gì? Những điều cần biết về FED

FED có lẽ là tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới, là nơi duy nhất được in tiền (đô la Mỹ), đưa ra các chính sách tiền tệ không chỉ ảnh hưởng tới Hoa Kỳ mà còn rất nhiều quốc gia khác. Là 1 trader chắc hẳn bạn luôn tự nhắc mình phải cẩn thận khi nghe tin thông báo lãi suất, hay sắp có các cuộc họp diễn ra từ FED để tránh bị bay tài khoản, đúng không? Vậy FED là gì? FED thực sự “giết” trader bằng cách nào? Đặc biệt, với trò là người giám sát kinh tế Mỹ, thì những chính sách mà FED đưa ra ảnh hướng như thế nào tới tình hình kinh tế Mỹ nói chung và kinh tế thế giới nói riêng? Cùng tìm hiểu nhé!

FED là gì?

FED hay cục dự trữ liên bang (Federal Reserve System – Fed) là ngân hàng Trung ương Mỹ, thành lập từ 23/12/1913, theo đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” được ký bởi tổng thống Woodrow Wilson với mục đích duy trì 1 chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và ổn định cho nước Mỹ.

FED ra đời như thế nào?

Vào năm 1910, vì lo ngại khủng hoảng tài chính và kinh tế khiến cho giới tinh hoa Mỹ tin rằng cần phải thay đổi hệ thống ngân hàng quốc gia. Mặc dù Đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực, nhưng riêng vấn đề này cả 2 đảng đều thống nhất tin tưởng hệ thống tiền tệ hiện tại thiếu linh hoạt và không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế quốc gia.

Đảng Cộng hòa, do Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich dẫn đầu tuyên bố ủng hộ việc ra đời ngân hàng trung ương dưới sự bảo trợ bởi 1 ngân hàng tư nhân, có trụ sở tại Washington, D.C. để dễ dàng mở rộng hoặc ký hợp đồng tiền tệ khi cần. Trái lại, Đảng Dân chủ không tin tưởng vào các ông chủ Phố Wall nên ủng hộ thành lập một hệ thống ngân hàng do chính phủ kiểm soát. Tất nhiên, hệ thống này sẽ là sự phối hợp của tất cả mọi bên trong đó có các giám đốc ngân hàng tư nhân, những người có nhiều kinh nghiệm trong chính sách tiền tệ; các cá nhân có thẩm quyền – người sẽ bảo vệ công dân khỏi sự thờ ơ của các chủ ngân hàng.

Sau nhiều tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái, cuối cùng vào tháng 11 năm 1913, Quốc hội đã thông qua “Đạo luật Dự trữ liên bang”  dựa trên các ý tưởng của Aldrich Plan. Paul Warburg cùng nhiều chuyên gia được chỉ định điều hành hệ thống non trẻ này. Đến năm 1915, Fed chính thức đi vào hoạt động đóng vai trò chủ chốt tài trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ và phe liên minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Cục Dự trữ Liên bang gần như là 1 trong số ít các ngân hàng trung ương  trên thế giới không chịu bất cứ kiểm soát hay quyết định nào từ chính phủ, đóng 1 vai trò độc lập, mặc dù vẫn chịu trách nhiệm bởi cơ quan Hành Pháp. Nhờ vậy, các phán quyết đưa ra sẽ không phục vụ lợi ích cho 1 phe phái nào hết mà chỉ phục vụ cho người dân và các lợi ích công cộng. Ngoài ra, để tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào ngân hàng tại New York, cũng như tăng quyền lực cho các vùng nội địa, 1 hệ thống ngân hàng mới ra đời sẽ nằm ở 12 vùng trên khắp nước Mỹ.

Cơ cấu tổ chức của Cục dự trữ liên bang FED

  • Cơ cấu tổ chức của FED bao gồm:
  • Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên
  • Ủy ban Thị trường mở (FOMC).
  • Các ngân hàng của FED (12 ngân hàng) được đặt tại các thành phố lớn
  • Các ngân hàng thành viên

Trong đó:

Hội đồng Thống đốc: gồm 7 thành viên, có trụ sở tại Washington DC, được đề cử bởi Tổng thống, do Thượng viện thông qua. Tất cả thành viên hội đồng thống đốc đều trực thuộc uỷ ban thị trường mở FOMC. Trong đó 5 thành viên Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ 14 năm, riêng Chủ tịch và Phó chủ tịch FED có nhiệm kỳ ngắn hơn 4 năm.

Nhiệm vụ: đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách tiền tệ.

Ủy ban thị trường mở FOMC: gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc và 5 chủ tịch ngân hàng chi nhánh, tổng cộng 12 thành viên.

Nhiệm vụ: thúc đẩy thị trường tài chính ổn định tiêu biểu nhất chính là quyết định tăng giảm lãi suất, và giám sát hoạt động tài chính của 12 ngân hàng liên bang.

Các ngân hàng của FED: được đặt tại 12 khu vực (12 chi nhánh) như Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco sẽ thực hiện các nhiệm vụ còn lại.

Vai trò của Cục Dự trữ Liên bang

Vai trò chính sách tiền tệ của Fed, được nêu cụ thể trong Đạo luật Dự trữ Liên bang sửa đổi năm 1977 với các nhiệm vụ chính như sau:

  • Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tạo việc làm cho công dân Hoa Kỳ, ổn định giá cả và điều chỉnh lãi suất dài hạn.
  • Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính. Bình ổn giá cả cùng các sản phẩm và dịch vụ để khuyến khích tăng trưởng kinh tế.
  • Giám sát các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng.

Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.

Tại sao FED lại có thể tác động nền kinh tế toàn cầu?

USD vốn là đồng tiền chủ chốt mà FED lại là nơi duy nhất được quyền đưa ra các quyết định về tăng giảm lãi suất tiền tệ. Chính điều này đã tác động trực tiếp đến sức mạnh của đồng USD, gây ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của Mỹ. Nếu FED tăng lãi suất đồng USD nhằm kiềm chế lạm phát, vô hình chung làm tăng sức mạnh của đồng USD trên thị trường tiền tệ quốc tế, làm tăng nhập khẩu, giảm xuất khẩu, giảm đầu tư vào Mỹ.

Hơn nữa, cũng chính vì USD chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống tiền tệ quốc tế, nên nhiều mặt hàng quan trọng như dầu, vàng đều được định giá bằng USD. Mà FED là cơ quan duy nhất được can thiệp vào việc xác lập giá trị đồng USD thông qua hoạt động mua bán USD và các ngoại tệ khác. Đồng nghĩa việc kiểm soát USD của FED cũng khiến thị trường toàn cầu bị kiểm soát gián tiếp. Vì thế, tất cả những quyết định của FED đều tác động đến nền kinh tế thế giới. Tất nhiên các trader sẽ không bao giờ dám bỏ qua những diễn biến liên quan hoạt động của FED trong giao dịch forex nếu như không muốn bị cháy tài khoản.

Các công cụ tác động tới chính sách tiền tệ của FED

Thay đổi lãi suất: vì USD là đồng tiền chủ chốt của thế giới, nên thay đổi lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chính sách tiền tệ, các hoạt động kinh tế và doanh nghiệp.

Mua và bán trái phiếu chính phủ: FED mua trái phiếu chính phủ sẽ làm tăng lượng tiền lưu thông khiến lãi suất giảm, kích thích việc chi tiêu & vay vốn ngân hàng.

Ngược lại, khi FED bán trái phiếu sẽ làm lượng tiền lưu thông ít đi, khiến cho lãi suất tăng cao làm hạn chế việc chi tiêu & vay vốn ngân hàng.

Quy định lượng tiền mặt dự trữ: Các ngân hàng chi nhánh không phải muốn dự trữ bao nhiêu tiền cũng được, bắt buộc phải theo chỉ thị của Fed. Nếu số lượng dự trữ lớn hơn so với quy định sẽ làm vay mượn trở nên khó hơn, khiến lãi suất tăng cao.

Hoạt động nào của FED tác động trực tiếp đến thị trường?

Thực tế, chỉ cần FED “thở” thôi cũng gây ảnh hưởng tới thị trường, nhưng 2 hoạt động được dân tình săm soi nhiều nhất chính là:

Chủ tịch FED phát biểu

Với tư cách là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang nên phát biểu của Chủ tịch FED sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đồng USD. Trader lúc này chỉ việc ngồi ngay ngắn trước màn hình laptop dò từng câu, từng chữ để tìm ra manh mối về cách hoạch định chính sách tiền tệ trong tương lai.

Ngoài các bài phát biểu, việc chủ tịch FED điều trần trước Hạ Viện cũng là 1 trong những thông tin quan trọng được trader quan tâm.

Thông tin về FOMC hoặc chủ tịch FED phát biểu có thể xem trực tiếp trên trang chủ của FED hoặc Lịch Kinh tế.

FOMC họp

Định kỳ: 8 lần mỗi năm

Thời gian diễn ra: 1h (giờ mùa hè) hoặc 2h sáng (giờ mùa đông – giờ Việt Nam)

Thời lượng: 1 giờ đồng hồ

Thời điểm tuyên bố lãi suất: có thể nằm phần 1 hoặc phần 2

Nội Dung FOMC họp gồm 2 phần chính:

Phần 1: chủ tịch FED đọc tuyên bố đã được soạn thảo sẵn.

Phần 2: trả lời câu hỏi báo chí. Đây là thời điểm sẽ gây ra biến động nặng nề nhất cho thị trường. Vì các câu trả lời sẽ không được chuẩn bị trước, nên chỉ cần chủ tịch FED nói “hớ” 1 cái gì đấy, thị trường chạy cả trăm pip là điều rất bình thường.

Tại sao FOMC họp lại khiến trader quan tâm?

Vì đây là thời điểm duy nhất báo chí có thể tiếp xúc, chất vấn trực tiếp với chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cứ FOMC họp kiểu gì cũng liên quan đến lãi suất cùng các trả lời từ chủ tịch FED về tình hình và triển vọng tăng trưởng kinh tế. Thông qua đó, sẽ cung cấp manh mối cho trader, suy đoán được chính sách tiền tệ FED trong tương lai.

Nói chung cứ cái gì liên quan đến FED đều khiến thị trường biến động mạnh, trader nào cũng rõ rồi. Bây giờ mình sẽ so sánh thị trường ở thời điểm chủ tịch FED phát biểu so với tin FOMC họp, xem cái nào biến động mạnh hơn cái nào, các bạn nhé.

Trước hết hãy quan sát lịch kinh tế, trong cùng 1 tháng, có 2 sự kiện diễn ra gồm:

  • Chủ tịch Fed phát biểu (11/1/2022).
  • Tin lãi suất được thông báo trong cuộc họp FOMC (27/1/2022).

Vậy thị trường sẽ biến động như thế nào?

Nhìn vào hình ảnh trên, có thể thấy tin lãi suất sẽ biến động mạnh hơn so với bài phát biểu của chủ tịch FED. Trừ phi chủ tịch FED “lỡ mồm” nói cái gì mới gây ra biến động mạnh cho thị trường. Còn tin lãi suất của Mỹ sẽ tác động kinh tế toàn cầu, nhưng như bạn thấy đấy, dù tin ra đúng như những gì đã dự báo chỉ tăng 25 điểm cũng khiến thị trường chạy “nhẹ” cả trăm Pip!